88 Lab
Marketing

Cảm hứng và chuyện viết

Cứ nhắc đến viết lách người ta lại bắt đầu nói câu chuyện cảm hứng. Cảm hứng là một khái niệm thật mơ hồ, nó có thể đến vào một sớm ban mai đầy nắng nhưng cũng tự nhiên biến mất vào một ngày mưa ủ dột. Nhưng việc viết của một content writer lại chẳng phải thứ tự do, tùy hứng như thế.

Hồi đầu mới đi làm, lúc nào tớ cũng trong tình trạng “ôm” việc về nhà chỉ vì quẩn quanh 2 chữ “cảm hứng”. Tớ chờ đợi cảm hứng xuất hiện để bắt đầu viết bài, tớ dựa dẫm vào cái cớ “cảm hứng” để trì hoãn việc suy nghĩ và rất nhiều việc khác. Cứ thế lúc nào tớ cũng trong tình trạng overload, chẳng bao giờ thấy hết việc. Công việc của tớ sẽ mãi đi vào bế tắc như thế nếu tớ không gặp được một anh sếp tâm lý. Sếp tớ có một thú vui là “ngồi một lát” với các em trong văn phòng. “Lát nữa ngồi với anh 15 phút nhé” hay “Mai đến anh sẽ ngồi với em một lúc” là mấy câu thường thấy của sếp tớ. Và chính từ những “15 phút” ấy tớ đã tìm được giải pháp cho vấn đề của mình.

“Để lựa chọn giữa 1 việc gấp – quan trọng và 1 việc không gấp nhưng quan trọng thì em sẽ làm việc gì trước?” Khi được hỏi câu này tớ đã chọn ngay làm những việc gấp và quan trọng trước rồi sẽ làm những việc quan trọng nhưng không gấp sau (Hợp lý mà nhỉ!).

Rồi anh sếp lại hỏi tớ: “Em có thấy tập thể dục quan trọng không?”

“Có ạ”

“Thế việc này có gấp không?”

“Không ạ”

“Ừ đấy. Nếu bây giờ anh chọn làm hết tất cả mọi việc gấp và quan trọng trước, chưa chắc anh đã có thời gian hay tinh thần để tập thể dục. Nhưng nếu anh hoàn thành việc tập thể dục trước, ít nhất anh cũng đã xong một việc quan trọng của ngày, thời gian còn lại anh sẽ tập trung giải quyết những việc gấp và quan trọng còn lại. Với cách này em sẽ không còn cảm thấy khó khăn để quản lý thời gian, sắp xếp công việc nữa, mọi thứ đã dễ dàng hơn chưa?”

Ừ nhỉ, nếu chỉ chăm chăm làm những việc quan trọng – gấp tớ sẽ rất khó hoặc bỏ quên những việc quan trọng – không gấp. Đây, anh sếp của tớ đã chỉ cho tớ một công thức phân chia công việc gọi là Ma trận quản lý thời gian – Time management matrix thế này:

Time management matrix

Một người biết sắp xếp công việc một cách thành công không phải là người ưu tiên xử lý những công việc ở góc I mà là dành thời gian làm tốt những công việc quan trọng mà không gấp trước khi nó trở nên khẩn cấp và chuyển sang nhóm I. Bởi vậy trước khi bắt tay vào thực hiện công việc nào đó, tớ sẽ liệt kê tất cả những việc cần làm và lên kế hoạch quản lý thời gian, gắn 4 thẻ trên vào từng công việc và sắp xếp chúng vào từng nhóm. Thay vì cứ để thời gian “chết” để tìm cảm hứng, tớ sẽ hoàn thành những việc quan trọng nhưng không gấp trước rồi mới dành toàn bộ thời gian còn lại cho “cảm hứng”. Một điều thú vị là khi càng ít thời gian, tớ sẽ buộc bản thân tìm mọi cách để hoàn thành công việc chứ không ỷ lại vào “cảm hứng” nữa. Cứ như vậy tớ đã hoàn thành lần lượt các công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn hồi mới đi làm rất nhiều.

Thế đấy bài học đầu tiên khi đi làm content writer của tớ chẳng phải là mấy kỹ năng viết headlines hay lên nội dung thế nào cho hấp dẫn mà lại là cách sắp xếp công việc, quản lý thời gian sao cho hiệu quả. Đương nhiên viết lách cần có cảm hứng nhưng không có nghĩa cứ phải đợi lúc có cảm hứng mới có thể bắt đầu viết.

Related posts

Google Data Studio là gì?

Nguyễn Hoàng Long
4 years ago

Tổng hợp các bài học kinh doanh hay nhất trên Google Primer (Kì I)

diepminhchu
5 years ago

13 cuốn sách hay về Digital Marketing dành cho doanh nghiệp Start-up

Jan Jan
5 years ago
Exit mobile version