Các xu hướng trong năm 2018 đang thay đổi nhanh hơn mong đợi khi bước qua 2019. Trong thời đại digital, không còn ai theo đuổi những chiến lược marketing tốt nhất mà thay vào đó là đón đầu các xu hướng. Vậy 7 xu hướng mobile marketing được mong chờ sẽ xuất hiện trong năm 2019 là gì?
1. Chatbot
Chắc chắn người dùng Internet nào cũng đã tương tác với Chatbot ít nhất một lần. Chatbot về cơ bản là một chương trình máy tính mô phỏng cuộc trò chuyện với người dùng, có thể ở dạng văn bản, như chat trên website hoặc tương tác bằng lời, như Siri của Apple hay Alexa của Amazon.
Chatbot không phải là một công nghệ mới nhưng càng ngày nó càng thông minh và được cải tiến, được sử dụng nhiều hơn trong năm 2019. Nhiều kênh bán hàng sử dụng Facebook Messenger làm giao diện chatbot. Theo Facebook, có hơn 300.000 bot trên Messenger để xử lý khoảng tám tỷ tin nhắn hàng tháng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, và con số này chắc chắn còn tăng hơn nữa.
Tại sao Chatbot sẽ “làm nên chuyện”? Mỗi con bot được lập trình bài bản có thể trả lời câu hỏi, đặt chỗ, đặt hàng, huỷ dịch vụ hay thậm chí thu thập thông tin cá nhân theo từng mục đích sử dụng. Danh sách các chức năng của Chatbot còn tiếp tục phát triển, vì đây là giải pháp hàng đầu cho các khách hàng, nơi không chỉ là kênh tương tác với khách mà còn có thể tìm hiểu thêm về người tiêu dùng.
Cũng khá thuận tiện khi thực hiện các khảo sát người tiêu dùng một cách nhanh chóng, các số liệu dễ dàng được quản lý và không dẫn đến việc treo máy vì mọi thứ đều được tự động hoá. Vào năm 2019, bot sẽ cạnh tranh với app để tiếp cận khách hàng.
2. Ít app hơn
Thời gian trước khi nhà nhà đều xây dựng một ứng dụng trên di động cho việc kinh doanh của họ, từ chuỗi cửa hàng giặt là cho tới dịch vụ đăng ký thức ăn cho thú cưng, và cũng người người download những ứng dụng ấy.
Tuy nhiên, tần suất mà những ứng dụng này được sử dụng lại không thường xuyên. Năm 2018, ở Mỹ trung bình 1 người sử dụng khoảng 9 ứng dụng khác nhau mỗi ngày, đây có vẻ là con số lớn nhưng chiếm trong đó là các ứng dụng phổ biến trên điện thoại (email, nhắn tin, lịch). Sau cùng chúng ta chỉ sử dụng một vài ứng dụng theo sở thích và nhu cầu cá nhân hàng ngày, dù cho có hàng trăm ứng dụng khác được tải về.
Trong tương lai, điều chúng ta có thể thấy là các app không còn phát huy tối đa các công dụng. Thay vì xây dựng app chỉ để gắn liền với thương hiệu, các công ty có xu hướng kiểm tra chỉ số ROI (lợi tức đầu tư). Nếu khách hàng không sử dụng ứng dụng thường xuyên, vậy app của bạn có thực sự xứng đáng với chi phí và công sức không? Thay vì vậy, các doanh nghiệp sẽ hướng tới tương tác một cách hiệu quả hơn với khách hàng của họ, như Chatbot và các công cụ định hình khác.
3. Content
70% người dùng bày tỏ rằng họ không thích việc các quảng cáo trên điện thoại cứ xuất hiện một cách liên tục mà nội dung lại nhàm chán. Điển hình là các popup quảng cáo khi ta sử dụng các App hay Youtube, … Để chống lại các chương trình chặn quảng cáo và cái nhìn tiêu cực dành cho quảng cáo trên thiết bị di động, các doanh nghiệp đã chuyển nhiều hơn sang Content Marketing.
Content marketing không phải là nội dung mới nhưng càng ngày càng được sử dụng nhiều và thường xuyên hơn. Trong khi số lượng người dùng tương tác trên điện thoại ngày càng tăng, các nội dung ngày càng phải được trau chuốt và mang tính sáng tạo hơn trước. Vì vậy, content cần thực sự mang lại giá trị hữu ích cho người dùng, minh bạch và dễ đọc. Người tiêu dùng có xu hướng trở nên tiết kiệm và ít kiên nhẫn hơn. Họ không muốn dành thời gian lãng phí cho việc đọc một bài báo nhảm nhí với các liên kết bán hàng ở mỗi câu hay xem một đoạn clip trên youtube 3 phút nhưng quảng cáo đã gần 1 phút.
4. Marketing tạo bởi người dùng (User-generated Marketing)
Marketing do người dùng hay marketing thương hiệu thông qua khách hàng là cách thức tiếp thị hiệu quả. Loại hình marketing này khác hẳn so với KOL (Key Opinion Leader) khi các thương hiệu mời những người nổi tiếng có lượng followers (người theo dõi) đông đảo trên mạng xã hội, đây từng là chiêu thức marketing phổ biến nhưng người tiêu dùng ngày không còn tin tưởng hoàn toàn vào hình ảnh người nổi tiếng được trả tiền để tạo dáng với bộ bikini và cầm tách trà giảm cân.
Thay vào đó khách hàng muốn thấy những thứ thật và đáng tin hơn, những khách hàng cũ đã mua và trải nghiệm sản phẩm. Khảo sát cho thấy 60% người dùng cho biết lời giới thiệu từ bạn bè và gia đình sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng trong khi lời giới thiệu từ người nổi tiếng chỉ chiếm 23%. 85% người tiêu dùng tin tưởng vào các review online. Review của người dùng dễ dàng tìm trên mạng có thể gầy dựng cũng như đánh đổ danh tiếng của một nhãn hàng. Thay vì marketing bằng những hình ảnh vĩ mô hay xây dựng content từ góc nhìn của những người chưa sử dụng sản phẩm, các nhãn hàng nên bắt đầu tập trung đánh mạnh vào trải nghiệm thực tế của khách hàng.
5. Tìm kiếm bằng giọng nói
Số liệu từ đầu năm cho thấy có khoảng 1 tỷ lượt tìm kiếm bằng giọng nói được thực hiện mỗi tháng. Điều này cho thấy độ hot của voice search. Năm 2019 các nhãn hàng bắt đầu cân nhắc SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) có voice search đi kèm. Các chatbot cũng sẽ hiệu quả hơn khi các nội dung chúng hiển thị được tối ưu hoá cho việc tìm kiếm bằng giọng nói.
6. Các app tin nhắn
Tới năm 2019 sẽ có khoảng ¼ dân số thế giới sử dụng các app tin nhắn trên điện thoại. Chỉ con số này cũng thể hiện những tiềm năng marketing cực lớn của mobile messaging. Ngày càng nhiều các công ty mở cổng thông tin liên lạc qua Facebook Messenger, iMessage khiến người tiêu dùng rất hài lòng.
Ban đầu các app tin nhắn chỉ đơn thuần là kênh liên lạc và hỗ trợ. Phương thức này làm giảm nhu cầu gọi điện, gửi email hay truy cập web để trò chuyện trực tiếp. Sau này, các tập đoàn và công ty nhận ra được lợi ích của nó nên đã đảo ngược luồng giao tiếp. Thay vì chờ đợi đánh giá hay khiếu nại từ khách hàng, doanh nghiệp có thể chủ động tiếp cận tới khách hàng các tin tức về sản phẩm, ưu đãi, hay lời chúc vào các dịp lễ, …
7. Mobile Optimized Website (Website tối ưu trên điện thoại)
Phần lớn lượng truy cập website bắt nguồn từ thiết bị di động, và dẫn đến những thống kê sau:
- 40% người dùng sẽ tìm đến đối thủ cạnh tranh sau khi có trải nghiệm không tốt trên điện thoại.
- 84% người dùng gặp khó khăn khi thực hiện giao dịch trên điện thoại.
Người tiêu dùng đang mong chờ trải nghiệm mượt hơn trên trang web. Trải nghiệm của người dùng có thể được nâng cao bằng cách tăng tốc độ tải của web, cỡ chữ phù hợp, menu trực quan và bớt độ cuốn của trang.