Hôm qua ngày 16/9 đã diễn ra lễ ra mắt chính thức mạng xã hội Lotus. Lotus là mạng xã hội “Make in Việt Nam” đến từ VCCorp – thương hiệu dẫn đầu về mảng Truyền thông – Digital tại Việt Nam. Có điều gì khác biệt đằng sau mạng xã hội Lotus – MXH do người Việt làm chủ, cùng tìm hiểu nhé!
Mạng xã hội Lotus là gì?
Dự án mạng xã hội Lotus được đầu tư và phát triển bởi Công ty cổ phần VCCorp chính thức ra mắt vào ngày 16/9 tại cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Với tiêu chí “Content is King, MXH này chú trọng lấy nội dung và trải nghiệm người dùng làm trọng tâm. Đây sẽ là không gian để tất cả mọi người – từ những user bình thường cho đến các KOL/ influencer, nhà phát triển (Developers), chuyên gia, nhà sáng tạo nội dung (content creator)… có thể tự do sản xuất ra những nội dung chất lượng, mới mẻ và có giá trị.
![Mang xa hoi lotus content is king](https://88lab.vn/wp-content/uploads/2019/09/Mang-xa-hoi-lotus-content-is-king.png)
Từ khi bắt đầu được công bố “Là MXH xoay quanh nội dung”, Lotus đã nhận được sự quan tâm vô cùng lớn từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các bạn trẻ. Một MXH được xây dựng bởi chính người Việt, không có fake news, không content rác hứa hẹn một sự thay đổi trong hành vi sử dụng MXH của người Việt hiện nay.
Theo tổng giám đốc VCCORP, Lotus có thành công được hay không là phụ thuộc vào người dùng trong MXH. Được biết, có tới 200 kỹ sư công nghệ Việt dày dặn kinh nghiệm được tập trung để hoàn thiện mọi tính năng cho nền tảng Lotus. Do đó, Lotus được tính toán kỹ lưỡng với một lộ trình phát triển khác biệt, không rập khuôn như cách mọi người đang nghĩ về MXH như Facebook, Instagram hiện nay.
Trong buổi lễ ra mắt, các nhà sáng lập đã đưa ra 3 giá trị mà Lotus muốn hướng tới:
- Tính Nhân văn, Hướng thiện
2. Thân thiện, Hòa đồng
3. Khát vọng vươn lên
Trong sân chơi MXH bùng nổ hiện nay, Lotus sẽ đem đến những trải nghiệm mới lạ gì để thu hút người dùng, cùng tìm hiểu nhé!
Lợi thế cạnh tranh của Lotus khi tham gia sân chơi mạng xã hội hiện nay
Không lựa chọn thị trường ngách để phát triển
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VCCorp, MXH Lotus không đi vào thị trường ngách, mà tìm ra và đánh trúng các nhu cầu lớn chưa đáp ứng tốt bởi những sản phẩm đang có trên thị trường.
Thay vì khiến người dùng phải “đọc” quá nhiều, Lotus đem lại nhiều hơn trải nghiệm “xem” qua các câu chuyện được kể bằng hình ảnh. Trong buổi ra mắt ngày hôm qua, khái niệm “story photo” cũng đã được chính CEO VCCorp giới thiệu. Theo đó, Lotus không hề cạnh tranh với Facebook hay các MXH hiện có.
Content is King – Lấy nội dung và trải nghiệm người dùng làm trọng tâm
Với Lotus, ai cũng có thể là nhà sáng tạo nội dung. Sử dụng 50 định dạng để đăng bài như video giải trí, blog, hình ảnh, video nhanh, tạp chí, nhạc, sách,…, người dùng có thể tự tay “trang trí” bài viết và nâng cao chất lượng nội dung.
Để tập trung thu hút người dùng bằng nội dung chất lượng, đa dạng hơn, mạng xã hội này cho biết đã hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trong 20 lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, blog, vlog, giải trí, âm nhạc và trên 30 nguồn chính luận là các cơ quan báo chí.
Không có Like hay Share, Lotus sử dụng nhân tố Token mới lạ
Chế độ tương tác trên MXH Lotus được bật mí phong phú và đa dạng so với các MXH hiện có. Không còn “thả tim, thả like”, mọi tương tác trên Lotus đều được chuyển thành Token. Token có thể được cho và nhận tuỳ ý chủ quan mỗi người, đồng nghĩa với việc nội dung càng chất lượng và đáng tin cậy sẽ có cơ hội nhận được càng nhiều Token từ người khác. Nói cách khác, số lượng Token sẽ thể hiện độ “xịn” của bạn trên MXH Lotus.
Đây cũng được bật mí là nhân tố giúp bạn “làm giàu” trên MXH mới này.
Một thương hiệu mạnh đứng sau
Khác với một số MXH Việt Nam mới ra mắt gần đây như GAPO, Hahalolo, đứng sau Lotus là một thương hiệu mạnh. VCCORP được biết đến là thương hiệu dẫn đầu về mảng Truyền thông – Digital tại Việt Nam. Dùng bài toán truyền thông thương hiệu, Lotus đã nhận được sự quan tâm, mong chờ của rất nhiều người từ khi còn là ý tưởng “thai nghén”.
Không chỉ thế, lấy tên “Lotus” cùng hình ảnh hoa sen – một biểu tượng được coi là quốc hoa của Việt Nam, Lotus nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dùng Việt.
Một số Mạng xã hội Việt Nam mới ra mắt gần đây
Có vẻ 2019 là năm bùng nổ của các MXH “made in Việt Nam”.
Đầu tiên phải kể đến cái tên Hahalolo. Ra mắt vào tháng 2/2019, Hahalolo được truyền thông là sẽ thay thế Facebook tại thị trường Việt Nam với những tính năng đỉnh cao của mình. Không chỉ dừng lại ở vai trò là một mạng xã hội với chức năng kết nối và chia sẻ như các mạng xã hội truyền thống Facebook, Zalo,… mà điểm đặc biệt của Hahalolo còn nằm ở việc áp dụng mô hình OTA. Với việc áp dụng mô hình này, Hahalolo trở thành chiếc cầu nối trung gian giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và những người đam mê du lịch đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ liên quan.
Tiếp đó, GAPO là cái tên đáng gờm tại thị trường mạng xã hội Việt Nam. Trong một sự kiện ngày 15.9, ông Hà Trung Kiên – TGĐ, đồng sáng lập MXH GAPO đã chia sẻ: “MXH này đã cán mốc 2 triệu người dùng sau hai tháng ra mắt”. Gapo cũng nhận được đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital, chính vì thế, với một bộ Visual khủng, cùng chiến lược truyền thông bùng nổ tại Việt Nam. Gapo được đánh giá sẽ có thời gian bùng nổ trong tương lai, có tiềm năng trở thành phương tiện giao lưu kết nối được giới trẻ yêu thích hàng đầu.
Lotus hay câu chuyện MXH Việt Nam – Làm sao để đứng vững?
Truyền thông rầm rộ, ra mắt hoành tráng, Lotus sẽ là ngôi sao sáng giữa trời đêm hay đốm lửa rực rỡ bùng cháy rồi vụt tắt?
Theo một nghiên cứu gần đây, người dùng thông thường chỉ có thời gian sử dụng một mạng xã hội duy nhất. Hiện nay ở Việt Nam đó là Facebook, và một phần nhỏ Instagram. Thay đổi thói quen sử dụng MXH và chiếm lĩnh lòng tin của người dùng là bài toán lớn nhất đặt ra cho Lotus nói riêng và các MXH Việt Nam nói chung.
Với những bê bối rò rỉ thông tin người dùng của Facebook hiện nay, người dùng kỳ vọng vào một MXH sẽ đem đến sự bảo mật thông tin và an toàn cho mỗi người dùng. MXH nào giải quyết được “nỗi đau” này của khách hàng thì MXH đó sẽ có chỗ đứng và phát triển được đường dài.
Bên cạnh đó, để thay đổi thói quen đang sử dụng các MXH như Facebook, Instagram của người dùng là một quá trình không dễ và cần thời gian. Các MXH mới muốn chiếm lấy thị phần người dùng tham gia, tăng users và giữ users active buộc phải đầu tư, chau chuốt tỉ mỉ đến sản phẩm. Các MXH này phải cho người dùng thấy được sự khác biệt, tính năng ưu việt và lợi ích khi họ tham gia. Đặc biệt, các MXH do người Việt làm chủ đã có sẵn lợi thế “sân nhà”, nhận được sự ưu ái “người Việt dùng hàng Việt”. Địa phương hóa sản phẩm, mang đến những tính năng mới phù hợp với văn hóa nội địa cũng là một ý tưởng đáng để thử cho những MXH mới này.
Một điều rất quan trọng nữa, những nhà sáng lập MXH Việt Nam cần xác định rõ họ tạo ra sân chơi mới này dành cho ai. Trong Markerting, có một nguyên tắc cốt lõi là “Khi bạn cố gắng làm Marketing tới tất cả mọi người, nghĩa là bạn đang không Marketing tới ai cả”. Bán hàng cũng vậy. Sản phẩm của bạn không thể đáp ứng mọi nhu cầu trong xã hội. Vì vậy các MXH mới này cần tìm đúng và trúng tệp đối tượng của mình, từ đó tập trung phát triển sản phẩm để phù hợp với nhóm này.
Tạm kết
“Đường dài mới biết ngựa hay, phim hay phải đợi xem hồi kết”. Nửa cuối năm 2019 hứa hẹn một thị trường cạnh tranh khốc liệt của MXH Việt. Với vai trò người dùng, khách hàng, chúng ta hãy thử đón nhận và chờ xem những trải nghiệm mới mẻ từ những sân chơi mới này.