Trước hết phải nói đến touch point – điểm chạm của khách hàng với thương hiệu, và để giới hạn lại phạm vi của content thì chúng ta sẽ nói đến touch point trên môi trường Digital.
Trên digital, ngoài xúc giác (tay gõ bàn phím), thì thị giác (mắt nhìn màn hình) và thính giác (tai nghe âm thanh) là những giác quan của khách hàng/khán giả mục tiêu được kích hoạt để tương tác với thương hiệu. Và tất cả những gì thương hiệu xây dựng để chạm đến khách hàng trên môi trường digital sẽ được gói gọn trong 2 chữ “Nội dung”.
Một chiếc ảnh, một dòng tiêu đề, một đoạn vid ngắn, một chiếc icon xinh xinh,… tất cả đều là Nội dung. Mở rộng hơn, fanpage, website, kênh youtube cũng chỉ là content mà thôi. Thế nhưng bạn đã dành bao nhiêu thời gian để chăm chút cho nó. Và chăm thế nào là đúng cách, để khách hàng CHÚ Ý – NHẬN DIỆN VỀ THƯƠNG HIỆU – ĐỂ TÂM MỘT CHÚT VỀ SẢN PHẨM – CÂN ĐO, ĐONG ĐẾM VỚI NHỮNG SẢN PHẨM KHÁC – ĐỦ ĐỘNG LỰC ĐỂ TRẢ TIỀN – ĐƯỢC GỢI NHẮC ĐỂ MUA LẠI LẦN SAU – ĐỦ YÊU THÍCH ĐỂ GIỚI THIỆU VỚI CẢ SOCIAL CỦA HỌ VỀ BẠN.
Ta sẽ không nói lại về việc xác định đối tượng mục tiêu trong bài này, mà mặc nhiên là bạn đã biết được bạn cần tiếp cận ai, thì thầm với ai, tạo ấn tượng với ai… rồi.
Giả sử như vậy, thì câu chuyện vẫn còn khó, vì thế giới, cụ thể hơn là mạng xã hội quá ồn ào, để bạn có thể thu hút ánh nhìn từ người bạn muốn. Bạn gào lên, và thế giới cũng đang gào lên. Họ cũng đang kể những câu chuyện của mình, cũng đang muốn tranh giành vài giây dừng lướt khung hình nhỏ nhắn của chiếc cửa sổ phát sáng kia.
Vậy thì mình thử dùng 3 từ khoá phía trên tiêu đề, và kỷ luật ứng dụng nó, để xem bạn có được quan tâm hơn không.
1. Consistent – Nhất quán
Trong kỷ nguyên 3s (gọi thế vì mọi thứ trôi qua ào ào, cái xuất hiện cực kỳ nhanh), mọi người bị thiếu niềm tin nghiêm trọng. Cái online đã mong manh, giờ nó còn biến đổi, vậy niềm tin đặt vào đâu. Ngay cả việc các KOLs chia sẻ sản phẩm họ sử dụng giờ cũng chỉ còn là một tiêu chí để đưa ra cân nhắc, vì quảng cáo nhiều quá rồi. Thế thì điều gì sẽ tạo nên niềm tin cho một thương hiệu, và đặc biệt là những thương hiệu mới. Câu trả lời chính là Consistent – Nhất quán.
Nhất quán, diễn dịch ra chính là: Lần nào cũng vậy. Lần hẹn hò nào bạn cũng đến sớm, người ta bảo rằng bạn là người đúng giờ. Bạn luôn ăn vận lịch sự, chỉnh chủ, người ta nhớ cái đó trong đầu, và sẽ thật kỳ lạ khi một ngày bạn quên không đánh đôi giày. Nhưng khi này người ta cũng chỉ cho rằng, chắc hẳn phải có nguyên nhân gì đó, chứ bạn không phải là người như thế đâu.
Content – Nội dung cũng cần sự nhất quán. Cái nhất quán trong content không đến một cách tự nhiên, nó là một định hướng chiến lược. Nhất quán trong nội dung sẽ bao hàm từ những thứ rất hình thức, như bộ nhận diện, phong cách thiết kế, màu sắc, font chữ… cho đến những thông điệp thể hiện quan điểm thương hiệu của bạn. Lạc quan, chuyên nghiệp (chỉn chu và có nguyên tắc) hay trung lập, phóng túng, tự do… Tất cả những điều đó cần được định nghĩa dựa trên chiến lược thương hiệu. Và nội dung khi này là cái truyền tải đầy đủ nhất chiến lược thương hiệu trên nền tảng Digital.
Content – Nội dung cũng cần sự nhất quán.
Tính nhất quán còn được thể hiện qua những lời hứa. Hãy chắc chắn rằng bạn là người giữ chữ tín, lời nói đi đôi với hành động. Nếu bạn thông báo về một buổi livestream chia sẻ vào tối thứ 5, lúc 8h, hãy nhớ thực hiện nó. Tất nhiên sẽ có những người chưa đủ quan tâm đến bạn đủ đến mức ghi nhớ tất cả những lời hứa từ bạn, nhưng đừng coi thường những người đã coi bạn là thân thiết. Họ sẽ rời bỏ bạn bất kỳ lúc nào, nếu như họ cảm thấy đang bị lừa dối.
Và nếu có lỡ làm sai, hãy thẳng thắn thừa nhận. Điều này còn tốt hơn việc bạn giấu đi và coi như không có gì xảy ra.
2. Relevant – Tính phù hợp
Điều này chắc khỏi phải bàn với những ai nằm lòng tư duy marketing. Nếu những gì bạn đưa ra không phù hợp với đối tượng mục tiêu, nhẹ nhàng thì họ sẽ lướt qua mà không có tương tác. Nếu không phù hợp hơn nữa, họ dần sẽ có cảm giác không hài lòng. Tệ nhất là khi họ unfollow hoặc không hiện thông báo về bạn nữa.
Nhưng sự phù hợp sẽ có tính hai chiều. Bạn cũng không nên quá sốt ruột khi người bỏ like fanpage của bạn không phải là đối tượng mục tiêu bạn nhắm tới. Đây là một sự chia tay tích cực.
Sự phù hợp sẽ thể hiện thế nào trong nội dung, mình liệt kê một số, còn bạn nghĩ ra được gì thì comment nhé:
– Chủ đề
– Hình thức thể hiện
– Kênh
– Thời điểm đăng bài
– Tần suất đăng bài
– Xưng hô
– Ngôn ngữ sử dụng
– Icon, Emoticon
– Thái độ (tích cực hay tiêu cực)
– …
– Hay thậm chí là độ dài của bài viết (như bài này là không phù hợp với nhiều người rồi đó, hihi).
3. Cuối cùng (finally) là Valuable – Giá trị của nội dung
Một nội dung không giá trị, sẽ bị cho vào sọt rác (blacklist) ngay lập tức. Một fanpage không giá trị, sẽ bị unfollow ngay lập tức. Từ giá trị ở đây rộng lắm. Nhưng với nội dung, nó bao hàm 1 số ý nghĩa sau:
– Giá trị về mặt nhận thức: giúp đối tượng nhận ra được một điều quan trọng mà họ lỡ bỏ quên, hoặc chưa nhận ra.
– Giá trị về mặt kiến thức: Dành cho những ai ham học hỏi, có chút tò mò
– Giá trị về mặt social: Bạn nó biết, mình cũng phải biết chứ
– Giá trị về mặt giải trí: cái này tồn tại rất nhiều nha
– Giá trị về độc quyền: Chỉ mình tôi có nội dung này thôi (thường là các tài liệu họ tưởng là quý :)))
– Giá trị về mặt thông tin: cập nhật hàng ngày thôi
– …
Thế nhưng giá trị thì phải phù hợp. Nội dung giá trị với người này, chưa chắc phù hợp với người khác. Nội dung giá trị ở thời điểm này, chưa chắc phù hợp ở thời điểm khác…
bản thân sự phù hợp cũng mang tính thời điểm
Và bản thân sự phù hợp cũng mang tính thời điểm. Phù hợp lúc này, chưa chắc đã phù hợp trong tương lai. Nhìn tổng thể thì có thể coi là chưa phù hợp đó.
Giá trị cũng phải nhất quán. Không phải thấy cái gì hay (tự mình thấy hay là một lỗi nguy hiểm) là chia sẻ. Sự nhất quán vẫn là quan trọng nhất. Kể cả khi bạn không có giá trị gì, thì sự nhất quán ít nhất cũng giúp bạn tạo được dấu ấn trong nhận thức của người xem/đọc.
Bài viết cực kỳ lý thuyết này hi vọng sẽ giúp bạn đâu đó nhặt nhạnh được một vài ý cho quá trình làm nội dung của mình.
Theo Marketing Chef