Sau khi tìm hiểu về khách hàng, đối thủ, insight và định giá công ty ở bước 1, chúng ta hãy cùng tìm hiểu 7 bước tiếp theo để xây dựng và phát triển nền tảng thương hiệu nhé!

Bước 2: Bài tiếp thị thang máy

Tiếp thị thang máy là những bài thuyết trình cực kỳ ngắn gọn (mà có thể chỉ diễn ra 30s trong thang máy) về thương hiệu và doanh nghiệp của bạn. Nó trả lời cho câu hỏi: Công ty của bạn làm gì? Tiếp thị thang máy không cần phải trông có vẻ quyến rũ, mà thực tế, một bài tiếp thị quá “mềm mại” sẽ làm cho người khác hiểu sai về thứ mà bạn đang chào bán. Mục tiêu cho bài tiếp thị thang máy là rõ ràng và ngắn gọn. Nó không thể nói hết về toàn bộ thương hiệu của bạn, trong khi bạn chỉ có 1-2 phút (thậm chí là ít hơn). Tiếp thị thang máy (cùng với một câu chuyện nổi bật – thứ mà chúng ta sẽ đề cập tới ở bước 3) sẽ đặt nền tảng cho định vị của bạn và định hướng rõ ràng cho nội dung và hình ảnh sáng tạo của bạn. 

Lên khung cho một bài tiếp thị thang máy khá dễ dàng, khi bạn sử dụng kỹ thuật be / do / have:

Being: Đây là phần cho câu hỏi “why” (vì sao) của bạn. Doanh nghiệp bạn đang có những đặc điểm (chất lượng) nổi trội nào? (Thứ mà đặc thù khiến người khác phải chú ý)

Doing: Đây là phần cho câu hỏi “what” (cái gì). Định nghĩa doanh nghiệp của bạn.

Having: Đây là những kết quả mà khách hàng của bạn được trải nghiệm khi lựa chọn thương hiệu của bạn

Bước 3: Xây dựng câu chuyện đặc trưng (tạo dấu ấn đặc biệt)

Câu chuyện đặc trưng giúp giải quyết cho bạn cả những câu hỏi lớn và những câu hỏi nhỏ. Tại sao bạn lại xây dựng doanh nghiệp này? Điều gì thúc đẩy bạn? Bạn muốn phục vụ ai và tại sao? Có một khoảng trống rõ ràng nào trên thị trường mà bạn có thể lấp đầy? Chữ “why” của bạn là gì?

Tuy nhiên hãy làm nó đơn giản và dễ hiểu hơn.

Bạn gặp một vài người ở bữa tiệc. Bạn ghét các bữa tiệc vì mọi người và những cảm giác lúng túng và tâm lý tuyệt vọng (Hoặc nếu đó chỉ là vấn đề của tôi, thì cũng ok thôi). Bạn bắt đầu các cuộc trò chuyện nhỏ và nói chuyện xã giao, kiểu “Thế bạn làm nghề gì?”.

Bạn sẽ không ngồi kể lể về những nội dung với đầy đủ hướng dẫn chi tiết như một trang bán hàng phải không? Không, bạn nói với họ về doanh nghiệp bạn đã tạ ra  và lý do bạn làm việc đó. Có lẽ bạn nên nói về tầm nhìn và sứ mệnh của bạn. Không phải tất cả mọi người ở đó vì tiền, và có lẽ bạn muốn để lại dấu ấn của mình trên thế giới theo một cách riêng. Điều gì khiến bạn rời khỏi giường và khiến bạn thức dậy vào ban đêm? Những đấu tranh trong mâu thuẫn, tư tưởng mà bạn đang khám phá trên đường đi là gì?

ke cau chuyen dac sac cua thuong hieu

Hãy kể câu chuyện bằng chính ngôn từ và lời nói của bạn, nó là độc nhất vì nó là của bạn. Bạn có thể nói lưu loát và hào hứng khi bạn cảm thấy phấn khích, hoặc có thể bạn là người chu đáo, thận trọng và kể chuyện xuất phát kinh nghiệm và quan điểm. Nhưng luôn có một câu chuyện mà bạn muốn kể, và nó đến từ bên trong bạn.

Chúng ta hiểu người khác không phải bằng suy nghĩ, mà bằng cảm nhận. Chúng ta cảm nhận trước và suy nghĩ sau. Theo ngôn ngữ khoa học, chúng ta tập trung vào “Tế bào gương (mirror neurons)” – tạo ra những ngôn từ mô phỏng hành động của khách hàng, suy nghĩ và cảm xúc của họ đằng sau hành động. Họ sẽ cảm thấy như bạn đang nói chuyện với họ, về họ.

Khoa học đằng sau những câu chuyện hiệu quả

Theo Bluesumac, đây là cách các phần của não bộ phản ứng lại với câu chuyện:

  • Dopamine: Não giải phóng dopamine khi trải qua một sự kiện mang tính cảm xúc, giúp nó dễ nhớ hơn và với độ chính xác cao hơn.
  • Hoạt động của vỏ não: Khi xử lý một điều gì đó, hai vùng não được kích hoạt (khu vực Broca’sWernicke’s). Một câu chuyện mạnh mẽ có thể tác động tới các vùng khác, bao gồm vỏ não vận động, vỏ giác quan và vỏ não trước.
  • Khớp thần kinh: Một câu chuyện chạm vào các phần của bộ não cho phép người nghe biến câu chuyện họ nghe thành trải nghiệm của chính họ.
  • Tế bào gương (Mirror neurons): Người nghe sẽ có các trải nghiệm về các hành động tương tự những người khác, bao gồm cả người kể chuyện. 

Một câu chuyện tốt được hình thành từ một vài “nguyên liệu” chủ chốt. Đầu tiên là tính xác thực. Một câu chuyện thật sẽ có sức mạnh rất lớn, hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ. Câu chuyện thật sẽ kết nối những người có cùng những tổn thương, những vấn đề trong cuộc sống. Một câu chuyện có thật sẽ thu hút những đối tượng mục tiêu bạn hướng tới, nó chính là một quyền lực để giúp bạn kết nối với độc giả của mình. Đó có thể là những câu chuyện xuất phát từ những sự trùng hợp, một tai nạn hay đơn giản là một may mắn nào đó trong cuộc sống. Câu chuyện cụ thể tạo thêm giá trị cho thương hiệu. Hãy nhớ rằng, bạn nên sử dụng những hình ảnh, từ ngữ và những dấu ấn mang tính văn hoá nhóm cho câu chuyện của mình, những thứ mà khách hàng mục tiêu có thể hiểu và thấy được sự liên quan của mình ở đó. 

Một câu chuyện hay được làm từ một vài thành phần chính. Đầu tiên, tính xác thực là rất quan trọng. Những câu chuyện có thể tạo ra sự kết nối giữa những có cùng những vấn đề trong cuộc sống. Những câu chuyện có thật thu hút những người bạn muốn hướng tới, trao quyền cho bạn để tương tác, giao tiếp với họ. Có những khả năng có lợi, là doanh nghiệp của bạn ra đời như một sự tình cờ, một biến cố hay thậm chí là một điều may mắn. Hãy sử dụng hình ảnh cụ thể, từ ngữ và dấu hiệu mang tính văn hóa mà khách hàng của bạn quen thuộc và dễ dàng hiểu được trong câu chuyện.

Câu chuyện đặc trưng kết hợp với Bài tiếp thị thang máy thúc đẩy câu chuyện thương hiệu của bạn theo cách bạn kết hợp giữa cảm xúc với thực tế. Câu chuyện của bạn nêu bật các giá trị và hệ thống niềm tin của bạn, những gì bạn làm, lý do bạn làm điều đó, tại sao khách hàng nên tin tưởng bạn và cuối cùng họ được hưởng lợi như thế nào. Tất cả điều này là chìa khóa để hình thành tuyên bố định vị của bạn cũng như làm nổi bật những gì khiến cho bạn trở thành một biểu tượng riêng biệt. Và quan trọng, bạn cần lấy khách hàng làm trọng tâm bởi bạn tạo ra thương hiệu với hi vọng rằng sẽ thu hút những người mà bạn đang muốn phục vụ. 

Trọng điểm của câu chuyện đặc trưng là biến câu chuyện của bạn thành câu chuyện của họ. Câu chuyện cần thể hiện được rằng bạn am hiểu những thách thức của họ, và mang tới cho họ một giải pháp. Hầu hết các thương hiệu thất bại vì họ chỉ nói về bản thân mình. Khách hàng là những người ích kỷ, họ muốn biết lý do tại sao họ nên quan tâm và tại sao bạn quan trọng với họ. Nó là những điểm nhấn mang tính sắc thái trong thông điệp, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng. Thử vào trang chủ của một thương hiệu. Với 15s (hoặc ít hơn), bạn có thể biết được rằng, liệu bạn sẽ nhận được lợi ích gì từ doanh nghiệp, hay bạn chỉ vừa đọc một đoạn văn về công ty? 

Hãy xem sự khác biệt giữa hai đoạn nội dung sau:

Mẫu nội dung hướng tới khách hàng

Bạn có đang thức dậy vào ban đêm trong nỗi kinh hoàng về việc bạn sẽ sinh con trong một vài tháng và bạn thậm chí không có kế hoạch cho nhà trẻ bởi vì ai có thời gian, tiền bạc và phong cách Instagram xứng đáng? 

Bạn có đang thức dậy lúc nửa đêm, suy nghĩ về việc rằng bạn vừa mới sinh em bé, thậm chí bạn chưa cho kế hoạch cho việc có một phòng riêng cho bé, bởi lý do thời gian, tiền bạc hoặc thậm chí bạn còn không biết cách trang trí thế nào. Bạn có lo lắng về việc tìm kiếm đồ nội thất và giường ngủ an toàn, không độc hại cho em bé của bạn? Nếu bạn quá tải bởi quá nhiều lựa chọn, chúng tôi có giải pháp của bạn. Với hơn 15 năm kinh nghiệm, chúng tôi thiết kế, cung cấp và tạo ra các phòng cho trẻ với đầy đủ tiện nghi, phù hợp dành cho những người mới làm mẹ và với một mức ngân sách hợp lý

Mẫu nội dung chỉ nói về chủ doanh nghiệp

Xin chào! Tôi là Jane và tôi có hơn 15 năm kinh nghiệm trong thiết kế nhà trẻ. Những sản phẩm và kết quả công việc của tôi đã được đăng trên tạp chí Vogue, Town and Country, Parenting, STFU Parent, v.v., và tôi làm việc với tất cả các celebs. Tôi thiết kế các phòng chơi cho trẻ với chi phí cực kỳ hợp lý.

Câu chuyện đầu tiên đề cập đến suy nghĩ của khách hàng và sau đó đưa ra một giải pháp từ một người có kinh nghiệm và uy tín trong việc thực hiện lời hứa. Người tiêu dùng muốn biết rằng bạn đang nghĩ về họ 24/7.

Câu chuyện thứ hai là một giới thiệu tập trung vào người đứng đằng sau doanh nghiệp thay vì khách hàng. Bạn có thể (và hoàn toàn nên) giới thiệu ngắn về mình như vậy, nhưng nó phải là tiền đề cho khách hàng. Bạn (chủ doanh nghiệp) khi này sẽ như một người hỗ trợ và sẵn sàng có thể làm thay những khó khăn cho khách hàng của mình.

Để những điều kỳ diệu của câu chuyện phát huy tác dụng , bạn cần biết kích thích tưởng tượng của khách hàng. Xác định vấn đề của họ và giải quyết chúng. Làm cho họ bật dậy và chú ý. Cung cấp cho họ một cái gì đó họ không hề nghĩ đến – đặc biệt là khi ai ai cũng tiếp cận tới thị trường đại chúng. Liên kết thương hiệu của bạn với sự tươi mới. Đem sự tươi mới, trí tưởng tượng và kích thích tò mò phản chiếu lên bạn.

“Đừng cố gắng thu hút ai đó bởi những gì mới mẻ. Con người thường thích những thứ quen thuộc, nhưng xuất hiện trong một cách thức mới”

— Google’s Engagement Project

Bước 4: Định vị và mục đích thương hiệu

Định vị thương hiệu

Định vị thương hiệu được định nghĩa là lãnh thổ bạn chiếm giữ trong tâm trí khách hàng của bạn so với đối thủ cạnh tranh và liệu họ có tin rằng bạn là một lựa chọn tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của họ. Làm thế nào công ty của bạn mang tới những viễn cảnh đáng mong đợi đó cho khách hàng tiềm năng mà không ai khác có thể? Bạn sẽ không tìm thấy một câu định vị trên bao bì, website hay trên quầy kệ tại cửa hàng. Thay vào đó, định vị là những gì bạn cần thường xuyên xây dựng bên trong tổ chức, và đó chính là thứ điều hướng mọi quyết định cốt lõi trong tổ chức của bạn. Nó quyết định những gì bạn nói, bạn nói nó ở đâu, bạn nói như thế nào và bạn nói với ai. Đó là một bản định hướng cho những gì bạn tạo ra và cách bạn xây dựng thị trường và bán các sản phẩm. Định vị thương hiệu hiệu quả phụ thuộc vào nghiên cứu và phân tích, tìm hiểu insight khách hàng và đánh giá trung thực về nơi doanh nghiệp của bạn đang đứng và sẽ phù hợp trên thị trường. 

Bạn tạo định vị thông qua mục tiêu, danh mục ngành hàng, lợi ích và bằng chứng:

  • Mục tiêu: Bắt đầu xác định những đối tượng bạn đang phục vụ trực tiếp. Hãy làm điều này thật cụ thể. Ví dụ: bạn không thể định vị nhắm tới tất cả những bạn trẻ thế hệ millennials, nhưng có thể tập trung vào nhưng bạn nữ thế hệ millennial ở Hà Nội.
  • Thương hiệu của bạn thuộc danh mục nào: Bạn hoạt động trong lĩnh vực nào? Danh mục hoặc thị trường sẽ cho bạn một phạm vi hoạt động, nơi bạn sẽ cạnh tranh với những đối thủ khác
  • Lợi ích: Xác định lời hứa bạn làm cho khách hàng của bạn. Những lợi ích chính bạn đang cung cấp là gì?
  • Bằng chứng: Tại sao khách hàng của bạn nên tin bạn?  Bạn có những bằng chứng, những thông tin mang tính chất hỗ trợ cho việc cung cấp những lợi ích cho khách hàng hay không? 

Định vị của bạn được định hướng bởi những hiểu biết về thị trường, khách hàng và thương hiệu của bạn và nó được nói trực tiếp với khách hàng của bạn một cách rõ ràng và tự tin. Hãy xem xét các câu hỏi sau đây khi thiết kế định vị của bạn:

  • Liệu nó có làm nổi bật thương hiệu của bạn theo cách khiến mọi người phải dừng lại?
  • Nó có đủ tốt để cho những tăng trưởng dài hạn?
  • Định vị có thể nói được với khách hàng của bạn theo cách mà rõ ràng và trực tiếp không?
  • Có sự nhất quán trên tất cả các khía cạnh của thương hiệu của bạn?
  • Bạn có sở hữu nó không? Câu định vị có phải của riêng bạn, và nó có thể được thể hiện ở khắp các cửa hàng của bạn không?

Ví dụ: Amazon đã sử dụng nhận định định vị này trở lại khi gần như độc quyền bán sách: Với người dùng internet thích sách, Amazon.com là một nhà bán lẻ cung cấp quyền truy cập tức thì vào hơn 1,1 triệu cuốn sách. Không giống như các nhà bán lẻ sách truyền thống, Amazon.com cung cấp sự kết hợp giữa sự tiện lợi, giá thấp và sự lựa chọn toàn diện.

Mục đích thương hiệu

Mục đích là lý do doanh nghiệp tồn tại không phải vì chỉ là bán hàng. Nó mang tính người và đặt người tiêu dùng vào trọng tâm khi làm thương hiệu. Các thương hiệu thành công nhất xây dựng định vị dựa vào mục đích của họ. Họ luôn chuyển dịch các câu hỏi:

Từ “Tôi đứng ở đâu?” sang “Tôi tin vào điều gì? Giá trị của tôi là gì? Tầm nhìn và sứ mệnh của tôi là gì? Tại sao tôi bắt đầu kinh doanh này? Điều gì khiến tôi tiếp tục? Điều gì duy trì nó?”

Mục đích thương hiệu chính là triết lý thương hiệu của bạn.

Vậy là bạn đã hoàn thành công việc nghiên cứu khách hàng và ngành của bạn. Bây giờ đã đến lúc cũng ta show hàng. Đôi khi, ngay cả những thương hiệu lớn cũng không thể nói ngắn gọn hoặc nói rõ điều gì làm cho họ khác biệt. Một vài bài tập tiếp theo sẽ giúp bạn khi thiết lập vị trí và mục đích của bạn.

branding khach hang muc tieu

Bài tập 1: Trả lời nhanh

Bài tập này muốn bạn liệt kê ba điều đầu tiên xuất hiện trong đầu khi nghĩ về thương hiệu của bạn. Sử dụng từ đơn, không phải câu. Chúng có thể là danh từ, tính từ hoặc trạng từ. Nhưng chọn ba điều và đừng quá đắn đo về nó. Dành hai ba phút để hoàn thành bài tập này.

  1. ____________
  2. ____________
  3. ____________

Bài tập 2: Đầu tiên, duy nhất và tốt nhất

Điền vào chỗ trống:

Chúng tôi là thương hiệu đầu tiên về____________

Chúng tôi là thương hiệu duy nhất về ___________ 

Chúng tôi là tốt nhất về___________

Bài tập 3: Xây dựng lời hứa cho thương hiệu 

Lời hứa là điều bạn nói với khách hàng rằng bạn dự định sẽ làm cho họ. Đó là lý do họ nên mua sản phẩm của bạn. Tuy nhiên, nhận được lời hứa đồng nghĩa với việc họ hiểu cả lợi ích tính năng và lợi ích cảm xúc mà bạn truyền đạt. Ghi lại càng nhiều càng tốt những lợi ích mà bạn có thể nghĩ tới (cả về tính năng lẫn cảm xúc). Bạn sẽ biết phải lựa chọn đâu là những lợi ích hàng đầu bạn muốn sử dụng để xây dựng lời hứa thương hiệu. 

Bước 5: Lợi ích và lý do để tin tưởng 

Lợi ích thương hiệu là giá trị hữu hình và vô hình mà khách hàng của bạn trải nghiệm do sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Có hai loại lợi ích: lý trí (chức năng)cảm xúc.

Lợi ích lý trí liên quan đến hiệu suất cụ thể của sản phẩm hoặc dịch vụ, tức là, sản phẩm sẽ làm được gì và cách nó giải quyết những kỳ vọng của khách hàng. Ví dụ, một máy hút bụi thẳng đứng Dyson để cung cấp lực hút vượt trội so với các máy hút bụi khác trên thị trường, với mức bảo trì thấp nhất (nghĩa là không cần túi, không cần bộ lọc để làm sạch).

Lợi ích cảm xúc liên quan đến cảm nhận của khách hàng khi họ sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn. Đâu là kết quả cuối cùng khi họ trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ của bạn? “Hãy gắn bó với máy hút bụi Dyson. Sức hút vượt trội và bảo trì thấp có nghĩa là bạn tiết kiệm thời gian và cảm thấy rằng bạn có một ngôi nhà gọn gàng hơn.”

Lý do để tin (RTB) là, chỉ đơn giản là, tại sao khách hàng của bạn nên tin bạn. Điều gì làm cho tuyên bố và lời hứa của bạn đáng tin cậy? RTB của bạn có thể là bất cứ điều gì từ kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực này, kết quả đã được chứng minh và lời chứng thực, các sản phẩm được hỗ trợ bởi nghiên cứu mở rộng hoặc khoa học, v.v. Khách hàng của bạn hoài nghi vì họ đã nghe những lời hứa trước đó.

Hãy đối diện với câu nói này của khách hàng: Chứng minh cho tôi đi.

Bước 6: Tính cách thương hiệu và giọng văn

Hãy nhớ rằng mọi người mua từ con người chứ không phải thương hiệu, bạn càng có thể kết nối thương hiệu của mình với cuộc sống bao nhiêu, thương hiệu của bạn càng tạo ra ý nghĩa nhiều hơn. Sự rung cảm của chúng ta là tất cả những cách chúng ta thể hiện, cư xử và tương tác. Khi xây dựng thương hiệu, bạn đang thực hiện một hành động có chủ ý mang tính cá nhân thông qua những lời nói và phong cách hình ảnh, và hiệu quả nhất là mang dấu ấn riêng của bạn

Xác định cách dùng từ, những cảm xúc cấu thành thương hiệu, thẩm mỹ về mặt hình ảnh… là những bước đầu tiên để xây dựng trong chiến lược nội dung và kênh. Bạn muốn khách hàng cảm nhận thế nào về thương hiệu của bạn? Những tính từ nào họ sẽ sử dụng để mô tả về bạn?

Tính cách thương hiệu

Tính cách thương hiệu nói đến đặc điểm, cảm xúc và thuộc tính của con người được thể hiện trong một thương hiệu. Tính cách là cách bạn thể hiện và hành động trước mặt khách hàng. Tính cách được tạo nên bởi giọng điệu của bạn – tất cả các yếu tố làm cho một cá nhân trở nên độc đáo và thiết lập bản sắc của họ.

Tiếng nói thương hiệu

Tiếng nói là sự thể hiện tính cách, niềm tin và giá trị của bạn – người đứng sau thương hiệu. Giọng điệu của bạn không chỉ là về cách bạn nói, mà còn là những từ ngữ bạn sử dụng và cách bạn sử dụng chúng (tức là sự lên xuống, nhấn nhá và nhịp,tốc độ và độ dài của bài nói của bạn). Hãy nghĩ về giọng nói bạn sử dụng hàng ngày. Nó tồn tại và là một phần của tính cách và năng lượng của bạn. Hãy nghĩ về những từ bạn sử dụng và cách bạn sử dụng chúng. Hãy nghĩ về những hình ảnh, màu sắc và phông chữ mà bạn phân tách ra. Xem xét các cao độ và tốc độ trong giọng nói của bạn. Khẳng định những từ ngữ và quan điểm của bạn. Hãy hình thành cho bản thân bạn một phong cách.

Nhưng hãy nhớ rằng, bạn không bị giới hạn trong việc áp dụng giọng nói của chính mình. Những gì có thể làm việc cho một doanh nghiệp nhỏ sẽ là một thất bại lớn cho một tập đoàn đa quốc gia. Hãy tưởng tượng giám đốc điều hành của Taco Bell xông lên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội? Tôi e là không ổn cho lắm. Bạn có thể là bạn, một nhân vật, hoặc tạo ra tiếng nói cho thương hiệu của bạn, tất cả phụ thuộc vào quy mô kinh doanh của bạn, ngành công nghiệp mà bạn làm, và điều gì cảm thấy đúng và tự nhiên với bạn.

Ví dụ, bạn nói nhanh hay nói dài dòng? Bạn có ồn ào hay im lặng và dè dặt? Bạn có nói những câu dài, trang trí công phu hay bạn là người nói quyền lực và đi thẳng vào vấn đề? Bạn có sử dụng biểu tượng cảm xúc? Bạn có sử dụng thuật ngữ công nghiệp hoặc những ngôn từ đơn giản?

Ví dụ: Chỉ dẫn về giọng điệu của của Mailchimp’sBank of America’s.

Hướng dẫn của bạn nên bao gồm:

  • Ví dụ về giọng của bạn trong thực tế: Hãy đưa ví dụ cái gì sẽ sử dụng bên trong và bên ngoài thương hiệu
  • Những điều Nên/ Không Nên trong việc sử dụng tông giọng.
  • Thương hiệu như một cá nhân; tạo một bảng tâm trạng cho thương hiệu của bạn như thể đó là một người thực sự.
  • Thương hiệu thực và con người bạn có thể hướng vào

Bước 7: Phân tích SWOT

phan tich swot

SWOT bao gồm: Điểm mạnh (Strengths), Điểm yếu (Weeknesses), Cơ hội (Opportunities), và Thách thức (threats). Đó là một cách để đánh giá doanh nghiệp của bạn trong bối cảnh điều kiện thị trường.

Điểm mạnh: Bạn giỏi trong lĩnh vực nào? Những bộ kỹ năng độc đáo nào khiến bạn có lợi thế? Những người khác (ví dụ: khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, cạnh tranh, v.v.) nghĩ bạn giỏi về điều gì?

Điểm yếu: Điểm yếu của bạn là gì? Làm thế nào để đối thủ của bạn có lợi thế? Những gì người khác coi là lỗ hổng của bạn?

Cơ hội: Những xu hướng hoặc cơ hội kinh doanh hoặc cơ hội thị trường có thể tác động tích cực đến doanh nghiệp của bạn? Đó có phải là một cơ hội về mặt địa hình địa thế? Một nhà cung cấp giá cả phải chăng hơn? 

Thách thức: Đối thủ của bạn đang làm gì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp của bạn? Điều gì làm lung lay doanh nghiệp của bạn cần phải giải quyết? Ví dụ, bạn có đủ ngân sách hoặc dòng tiền không? Những điểm yếu của bạn có ảnh hưởng gì đến các thách thức của bạn (chúng thường xuyên bị ràng buộc chặt chẽ với nhau)?

Ví dụ: Phân tích SWOT từ Amazon, Coca-Cola, và Tesla.

Đọc thêm: Phân tích SWOT – Có những điều không phải ai cũng biết

Bước 8: Chiến lược thông điệp

Chiến lược nội dung của bạn mang tất cả các mảnh ghép thương hiệu hoà quyện cùng nhau. Bây giờ bạn đã hiểu biết cơ bản về khách hàng, góc nhìn toàn cảnh, cấu trúc công ty và cấu trúc thông điệp thương hiệu của mình (ví dụ: câu chuyện, định vị và mục đích, lợi ích thương hiệu và RTB), bạn có thể thiết kế chiến lược thông điệp cho từng phân khúc khách hàng, phương tiện truyền thông, và các đối tác B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Sau đó, bạn mở rộng chiến lược thông điệp cốt lõi để tạo ra các trụ cột nội dung thiết yếu (content pillars) – các nguyên tắc cơ bản của chiến lược nội dung của bạn.

Mỗi bước xây dựng và mở rộng dựa vào chính nó. Bạn bắt đầu ở một xuất phát đơn giản để nói về sản phẩm của mình và phát triển thành một ma trận phức tạp để khẳng định những gì bạn nói, ở đâu, như thế nào và khi bạn nói nó. Thông điệp của bạn sẽ được mở rộng và cụ thể, trên từng kênh và từng mẫu nội dung.

Xây dựng một thương hiệu là một công việc cần nhiều nỗ lực. Nó là sự gắn kết giữa niềm đam mê và kinh nghiệm của bạn và một thế giới dữ liệu có sẵn. Cuối cùng, bạn đã tạo ra một nhân vật rất đặc trưng cho thương hiệu, một điều gì đó mang tính cách và dáng dấp của con người. Và nếu việc tạo ra một thương hiệu dễ dàng như mua các phông chữ ưa thích và nhờ một freelancer nào đó tạo logo của bạn, chúng ta sẽ không phải nhìn thấy những mớ hỗn độn như hiện tại.

Công việc kinh doanh của bạn đòi hỏi bạn phải khéo léo, nhanh nhẹn và mổ xẻ chi phí, nhưng đây là một khoản đầu tư vào doanh nghiệp của bạn sẽ giúp bạn tiết kiệm lâu dài. Đừng bỏ qua quy trình phát triển thương hiệu thay vì các khoản đầu tư khác bởi vì, nếu không có quy trình này, đến thời điểm đi ra thị trường, bạn có thể không rõ về việc bán hàng của bạn, tại sao khách hàng của bạn cần nó và tại sao bạn nên là lựa chọn đầu tiên của họ.

Bài dịch không bởi mục đích kinh doanh.

Nguồn: Felicia C. Sullivan