Google Primer là một ứng dụng MIỄN PHÍ của Google, được thiết kế để dạy các kỹ năng Kinh doanh và Tiếp thị trong thời đại số cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, người khởi nghiệp và người tìm việc bằng các bài học tương tác trong 5 phút. Primer kết hợp nguồn thông tin của Google với kiến thức chuyên môn của các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp kinh doanh và tiếp thị để giúp mọi người có nền tảng kiến thức kinh doanh và tiếp thị số ở các cấp độ từ cơ bản đến nâng cao.
Theo mình thì đây là ứng dụng khá hữu ích dành cho những người đang cần tìm hiểu về Marketing và Kinh doanh nói chung, bởi kiến thức mang tới cho người dùng được phân chia theo các nhóm kỹ năng, khóa học, bài học theo các cấp độ, giúp bạn nắm được những kiến thức lý thuyết căn bản nhất trước khi tiến hành nghiên cứu sâu hơn hay áp dụng nó vào thực tiễn.
Điều mình thích nhất ở ứng dụng này chính là cách kiến thức được đưa tới cho người dùng dưới dạng “Một vạn câu hỏi vì sao” và sau đó sẽ đưa ra câu trả lời chi tiết kèm ví dụ trực quan gần gũi. Vậy nên cảm giác kiến thức được truyền tải một cách rất logic và dễ hiểu.
Trong bài viết lần này mình muốn giới thiệu cho bạn 10 bài học thú vị nhất trong nhóm kỹ năng Kế hoạch kinh doanh một cách ngắn gọn nhất. Cùng mình tìm hiểu nhé!
KHÓA HỌC 1: TẠO Ý TƯỞNG KINH DOANH
Như thế nào là một kế hoạch kinh doanh hiệu quả? Bạn phải làm gì để triển khai kế hoạch của mình? Làm thế nào để tìm cho mình một thị trường tiềm năng? Bạn sẽ hợp tác với những người như thế nào?
1. Tìm ý tưởng kinh doanh phù hợp với bạn
Primer đưa ra công thức cho một ý tưởng kinh doanh tiềm năng như sau:
Để đưa ra ý tưởng, hãy liệt kê các kỹ năng và niềm đam mê của bạn, tìm một vấn đề bạn có thể giải quyết và nhờ người khác góp ý. Sau đó bạn cần tiến hành tìm thị trường cho ý tưởng của mình. Việc này cũng tương đương trả lời các câu hỏi: Bạn MUỐN làm gì? Bạn CÓ THỂ làm gì? Bạn làm việc đó NHẰM MỤC ĐÍCH gì và làm CHO AI? Nếu như ý tưởng của bạn không nhằm giải quyết vấn đề của ai cả thì dĩ nhiên bạn sẽ không thể bán nó cho ai cả hay không thể có được thị trường tiềm năng.
Ý tưởng = Kỹ năng + Đam mê + Giải quyết một vấn đề nào đó
Để tìm kiếm thị trường cho ý tưởng của mình, bạn có thể tìm kiếm thông qua các từ khóa liên quan. Bạn có thể làm việc đó nhờ sự hỗ trợ của các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo!, Bing… hoặc các công cụ khác như Google Trend hay trên các Mạng xã hội.
- Xem các bài blog hoặc chủ đề trên forum từ những người đang tìm kiếm giải pháp mà ý tưởng của bạn cung cấp. Họ có đề cập đến bất kì sản phẩm hoặc dịch vụ nào mà bạn có thể cải thiện không?
- Sử dụng Google Trend để xem xét tần suất các từ khóa mà người dùng tìm kiếm, vị trí của họ, thông tin họ tìm và các lượt tìm kiếm xảy ra trong suốt năm hay là chỉ là xu hướng nhất thời.
- Tìm kiếm từ khóa trên các trang mạng xã hội. Nếu các doanh nghiệp xuất hiện thì họ có bao nhiêu người theo dõi? Họ có nhận được nhiều tương tác không? Bình luận của khách hàng như thế nào?
2. Xây dựng và viết kế hoạch kinh doanh của bạn
Một kế hoạch kinh doanh vạch ra cách thức doanh nghiệp của bạn sẽ hoạt động và làm thế nào để điều này giúp bạn đạt được những mục tiêu kinh doanh của mình. Bằng cách viết ra kế hoạch của bạn, bạn sẽ hiểu rõ hơn về doanh nghiệp của mình, biết những bước cần thực hiện để thành công và xây dựng niềm tin cho các bên liên quan hiện tại và tiềm năng.
Trong kế hoạch của bạn, hãy bao gồm các chi tiết về doanh nghiệp, sản phẩm hoặc dịch vụ, cơ cấu tổ chức, ngành nghề, đối thủ cạnh tranh, chiến lược tiếp thị và doanh số, nhu cầu vốn và thông tin tài chính.
3. Chọn đối tác kinh doanh phù hợp
Trong kinh doanh, hai cái đầu sẽ luôn tốt hơn một. Một đối tác kinh doanh bổ sung các kỹ năng, quan hệ giá trị và ý tưởng mới để giúp bạn làm nhiều việc hơn và giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.
Để lựa chọn đối tác kinh doành phù hợp bạn cần xem xét mức độ tin cậy, phong cách làm việc và giao tiếp, kĩ năng và chuyên môn, tầm nhìn và sơ yếu lí lịch khi chọn đối tác. Hãy xem xét nhờ luật sư tư cấn khi quyết định cấu trúc quyền sở hữu, việc phân chia lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.
KHÓA HỌC 2: THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG
Bạn sẽ bắt đầu việc kinh doanh của mình như thế nào? Bạn tìm nguồn vốn ở đâu? Làm thế nào để phát triển doanh nghiệp từ quy mô nhỏ?
1. Lập ngân sách doanh nghiệp nhỏ: Theo dõi, Lập kế hoạch, Chuẩn bị
Việc lập ngân sách và theo dõi chi phí giúp bạn đảm bảo có đủ tiền để tiếp tục công việc kinh doanh, chuẩn bị cho các vấn đề tiềm ẩn và phát triển doanh nghiệp.
Liệt kế toàn bộ chi phí của bạn, ghi chú xem đó là Chi phí một lần, Chi phí tuần hoàn, Chi phí cố định hay Chi phí biến đổi.
Bạn nên sử dụng phần mềm kế toán có sẵn trên thị trường để theo dõi lợi nhuận và chi phí của bạn.
2. Bắt đầu từ quy mô nhỏ và phát triển qua hình thức tự bỏ vốn
Hình thức tự bỏ vốn (Bootstrapping) là cách khởi động và cấp vốn cho doanh nghiệp của bạn mà không cần vay vốn hay dựa vào các nhà đầu tư. Bạn xây dựng doanh nghiệp của mình bằng cách dùng nguồn lực của chính bản thân thay vì nhận hỗ trợ tài chính bên ngoài.
Với hình thức này, bạn tập trung vào việc bán hàng sớm để tạo vốn. Khách hàng tiềm năng có thể cung cấp cho bạn phản hồi về những ưu và khuyết điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, giúp bạn chứng minh sản phẩm dịch vụ của bạn khả thi và mang lại lợi nhuận khi trao đổi với các nhà đầu tư, những bên cho vay và các nhà tài trợ trong tương lai.
Bạn nên cân nhắc kĩ loại sản phẩm dịch vụ chính mà doanh nghiệp của bạn cung cấp và bạn sẽ khác biệt như thế nào so với các đối thủ cạnh tranh. Một sản phẩm khả thi tối thiểu là phiên bản nhỏ gọn và ít tốn chi phí nhất cho ý tưởng kinh doanh của bạn có thể bán cho khách hàng và nhận ý kiến phản hồi. Hãy quyết định làm thế nào sản phẩm khả thi tối thiểu của bạn có thể loại bỏ những thành phần đắt tiền trong khi vẫn giữ được những điểm khác biệt và giá trị ý tưởng kinh doanh của bạn.
3. Đối phó với sự mệt mỏi và căng thẳng khi bắt đầu kinh doanh
Việc bắt đầu một công việc kinh doanh mới có thể rất căng thẳng vì hàng ngày bạn có rất nhiều thứ cần suy nghĩ và thường dồn hết tâm trí vào công việc. Bạn cần tránh bị kiệt sức đến mức không thể điều hành công việc kinh doanh một cách hiệu quả. Hãy để bạn bè và gia đình hiểu được công việc kinh doanh của bạn, nghỉ ngơi, tìm sự hỗ trợ từ những chủ doanh nghiệp khác, sắp xếp mọi thứ một cách có tổ chức, lên lịch trình, lập quy trình, giao việc cho người khác và học cách nói “không”.
KHÓA HỌC 3: GỌI VỐN HỖ TRỢ KINH DOANH
Có những nguồn vốn nào hỗ trợ công việc kinh doanh của bạn? Làm thế nào để gọi vốn? Bạn sử dụng các khoản vốn đó như thế nào?
1. Gọi vốn để bắt đầu kinh doanh
Việc khởi nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố như một kế hoạch kinh doanh bài bản, kỹ năng quản lý hiệu quả, nguồn tài trợ phù hợp. Mỗi yếu tố đóng một vai trò quan trọng, tuy nhiên yếu tố tài chính luôn được đặt lên hàng đầu đặc biệt là với doanh nghiệp mới.
Việc tính toán chi phí sẽ giúp bạn dễ dàng ước tính lợi nhuận hơn, xác định điểm hòa vốn, thu hút nhà đầu tư và đảm bảo vay tiền thành công. Khi tính toán chi phí, hãy tách chi phí của bạn thành khoản chi một lần và khoản chi định kì. Đừng quên tính một khoản dự phòng rủi ro.
Bạn cần lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng, hàng năm và 5 năm kể từ bây giờ để giúp bạn chuẩn bị cho tương lai. Lưu ý tất cả những nghĩa vụ và rủi ro pháp lý của bất kì hình thức tài trợ nào bạn lựa chọn.
Nguồn vốn của bạn có thể đến từ nhiều nơi:
- Vốn tự cấp: là khoản tiền bạn tự bỏ ra để vận hành hoạt động kinh doanh của mình. Bạn sẽ tự kiểm soát khoản tiền cũng như không phải phân chia quyền sở hữu cho ai khác đồng nghĩa với việc bạn phải chịu mọi rủi ro phát sinh trong quá trình kinh doanh.
- Vốn đầu tư mạo hiểm: nhà đầu từ sẽ dùng vốn đổi cổ phần sở hữu doanh nghiệp. Đây không phải khoản vay và dĩ nhiên không phát sinh nợ, tuy vậy bạn phải chia quyền sở hữu cũng như lợi nhuận cho các nhà đầu tư tương đương mức vốn mà họ bỏ ra.
- Vốn cộng đồng: bạn nhận nhiều khoản tài trợ nhỏ từ khách hàng tiềm năng, gia đình, mạng xã hội. Việc thuyết phục những đối tượng này đầu tư vào bạn mà không nhằm mục đích thu lợi nhuận sau này là rất khó, đòi hỏi bạn phải tiến hành hoạt động tiếp thị thật tốt.
- Vốn vay: với hình thức này bạn không phải phân chia lợi nhuận cho ai, cũng không cần phân chia quyền sở hữu. Đổi lại bạn sẽ nhận về các khoản trả nợ định kì kèm theo lãi suất.
2. Rót tiền vào dự án của bạn: Vay tiền theo diện doanh nghiệp nhỏ
Khoản vay doanh nghiệp nhỏ là khoản vay từ một ngân hàng hay tổ chức cho vay chuyên hỗ trợ nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ. Khoản vay này sẽ giúp bạn chi trả những chi phí vận hành hay phát triển doanh nghiệp của mình. Việc phê duyệt khoản vay này được diễn ra rất cẩn trọng vậy nên bạn cần chuẩn bị tốt nhất trước khi đăng kí để khiến bên cho vay tin tưởng vào khả năng hoàn trả khoản vay của bạn. Để làm được điều này bạn cần thực hiện 5 việc sau:
- Đầu tiên hãy xác định chính xác cách bạn sử dụng nguồn vốn vay. Bạn sẽ sử dụng chúng như vốn lưu động (thường trong thời gian dưới 1 năm) hay vốn phát triển (thường dưới 7 năm)? Khoản vay sẽ giúp bạn phát triển doanh nghiệp như thế nào?
- Tiếp theo phải biết chính xác bạn cần bao nhiêu tiền. Nhu cầu? Chi phí? Ước tính doanh thu? Sau khi tính toán các yếu tố này bạn có thể xác định được chính xác mình cần bao nhiêu tiền.
- Khi nhận được vốn vay công ty của bạn sẽ hoạt động như thế nào? Bạn sẽ phát triển dòng sản phẩm mới, mở rộng mặt bằng hiện tại hay mở thêm một chi nhánh..
- Chứng minh khả năng trả tiền của bạn. Bạn cần trả lời chính xác bao lâu sẽ trả nợ? Bạn sử dụng khoản vay trong bao lâu? Tài sản thế chấp của bạn là gì? Và cả yếu tố bảo lãnh cá nhân.
- Cuối cùng là xây dựng cho mình một bộ hồ sơ vay vốn ngắn gọn, dễ đọc, làm nổi bật điểm mạnh để bên cho vay thấy được tiềm năng phát triển cũng như khả năng trả nợ của bạn.
Hãy chuẩn bị bằng chứng để chứng minh những dự đoán bạn đưa ra về doanh nghiệp hoặc thị trường là hợp lý.
3. Sử dụng khoản vay nhỏ để thực hiện mục tiêu lớn
Khoản vay nhỏ là khoản tiền nhỏ bạn cần để bắt đầu kinh doanh. Khoản vay đó giúp doanh nghiệp mới trang trải các chi phí cơ bản. Mặc dù giá trị của khoản bay này nhỏ hơn nhiều so với những khoản vay truyền thống nhưng nó có thể đem lại sự khác biệt lớn cho doanh nghiệp nhỏ.
Những khoản vay nhỏ thường do chính phủ, các cộng đồng hoặc các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp. Bạn có thể làm việc với một bên cho vay nhỏ để xây dựng kế hoạch kinh doanh và phát triển lịch sử tín dụng của mình. Tuy nhiên trước khi vay hãy đảm bảo các thông tin cơ bản bạn cần có: bạn nắm rõ thị trường, khách hàng tiềm năng, bạn có kế hoạch sử dụng vốn và trả nợ hợp lý.
4. Tìm nhà đầu tư vốn cho doanh nghiệp của bạn
Nhà đầu tư là người cấp tiền vào một doanh nghiệp để đổi lấy vốn sở hữu. Khi tiếp cận các nhà đầu tư hãy chắc chắn bạn có thông tin phù hợp để giúp họ cảm thấy an tâm với rủi ro họ đang chấp nhận. Để tiến hành gọi vốn đầu tư, bạn cần chuẩn bị:
- Một bản kế hoạch đầu tư chặt chẽ.
- Một kế hoạch kinh doanh bài bản.
- Một bản báo cáo tài chính đã được kiểm toán và trình bày kế hoạch tài chính trong 5 năm tiếp theo.
- Trình bày mục tiêu của bạn, điểm độc đáo trong dự án và bạn cần chính xác bao nhiêu tiền.
- Trình bày thông tin tổng quan về công ty và lãnh đạo, hãy làm nổi bật thế mạnh của đội ngũ quản lý.
- Quan trọng là hãy trình bày ý tưởng về mức độ kiểm soát của nhà đầu tư. Bạn sẽ từ bỏ tỉ lệ vốn sở hữu là bao nhiêu để đổi lại nguồn vốn đầu tư?
Nơi lý tưởng nhất để bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư tiêm năng là từ chính khu vực xung quanh bạn. Ngoài ra bạn có thể tìm kiếm đối tượng để gọi vốn qua các trang thông tin trên Internet.
Trên đây là 10 bài học về kinh doanh thú vị trên Google Primer mà mình muốn chia sẻ.
Đọc bài viết tiếp theo “Tổng hợp các bài học Digital Marketing hay nhất trên Google Primer” tại đây.
Đọc bài viết tiếp theo “Tổng hợp những bài học Digital Marketing hay nhất trên Google Primer” ở link này nhé: https://88lab.vn/digital-marketing/bai-hoc-digital-marketing-hay-nhat-tren-google-primer/
Tham gia cộng đồng 88 Lab – Nơi “Tám” về Marketing để cùng chia sẻ kiến thức Marketing tại đây: https://www.facebook.com/groups/311770119764204/