Dạo gần đây mọi người hay nhắc đến mô hình S.A.V.E (Solution, Access, Value, Education) như một hình thái mới của Marketing Mix (4Ps). Liệu rằng trong thế giới hiện đại bây giờ, mô hình 4Ps đã cũ và mất dần lợi thế? Hay chúng ta chưa thực sự hiểu ý nghĩa đằng sau bốn chữ P kia?

Trong phần đầu tiên của series bàn luận về mô hình Marketing Mix, chúng ta hãy cùng đi sâu tìm hiểu chữ P đầu tiên – Product (Sản phẩm).

Trước khi thực hiện bất cứ chiến lược nào bạn cần xác định mình sẽ bán cái gì cho người mua. Đó là lý do vì sao Product (Sản phẩm) lại là chữ P đầu tiên được nói tới.

Sản phẩm ở đây là gì?

Sản phẩm là tất cả những cái, yếu tố thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, được đưa ra chào bán trên thị trường nhằm mục đích thu hút sự chú ý, mua sắm hoặc tiêu dùng.

Sản phẩm được chia làm 2 loại là Vật chất hoặc Dịch vụ, và đôi khi là sự kết hợp của cả hai. Vật chất là các sản phẩm hữu hình như Apple’s Iphone, Xe Tesla, trong khi đó Dịch vụ là các sản phẩm vô hình như cắt tóc, tư vấn tâm lý …

Vai trò của Marketer với chữ P đầu tiên (Product) là gì?

Khi nói về sản phẩm, chúng ta cần đóng vai khách hàng chứ không phải “cha đẻ” của sản phẩm.

Khách hàng không chỉ mua một sản phẩm để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ. Họ mong muốn một sự thỏa mãn và lợi ích mà họ tin rằng họ sẽ có được khi sử dụng sản phẩm đó.

Khách hàng hứng thú với những ý tưởng và biểu tượng đem đến cho họ sự liên kết giữa sản phẩm với cuộc sống họ hằng mơ ước và những kỳ vọng tươi sáng trong tương lai.

Marketer cần phải hiểu rõ điều đó và cố gắng kết hợp những ý tưởng đó khi phát triển concept của sản phẩm.

Lấy ví dụ cho dễ hiểu nhé. Tại sao một anh chàng có thể sẵn sàng bỏ ra vài triệu, thậm chí cả chục triệu để sở hữu một chiếc đồng hồ của Rolex? Nếu chỉ cần xác định thời gian thì một chiếc đồng hồ năm, sáu trăm nghìn hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu đó của anh ta. Thế nhưng thứ anh ta thực sự sở hữu không chỉ là một chiếc đồng hồ mà sự khẳng định đẳng cấp mà Rolex mang lại.

Starbucks – chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng trên thế giới, sở hữu hơn 17,000 quán ở 49 quốc gia, theo bạn, họ đang bán gì? Không chỉ bán cà phê, Starbucks đang bán một câu chuyện thương hiệu. Họ tạo ra những trải nghiệm cao cấp cho khách hàng khi thưởng thức cà phê tại Starbucks, hơn là “bán nước có mùi cà phê pha với đường”. Những tín đồ của Starbucks ưa thích thưởng thức những tách cà phê của họ tại đây và tin rằng đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong ngày của họ.

4p product starbucks

Nói túm lại, hãy nhớ rằng, khách hàng không đơn giản mua một sản phẩm chỉ để thỏa mãn nhu cầu tức thời của họ. Thay vào đó, họ sẽ sẵn sàng trở thành “fan cứng” của một nhãn hàng nếu nhãn hàng đó đem đến cho họ một concept sản phẩm hoàn thiện.

Tạm kết

Cuối cùng, khi nghiên cứu về chữ P đầu tiên của 4Ps, các nhà chiến lược Marketing cần phải trả lời các câu hỏi:

  • Khách hàng muốn điều gì từ sản phẩm của bạn? Cần những gì để thỏa mãn điều đó?
  • Concept sản phẩm của bạn là gì? Có những quyết định nào về thương hiệu, đặc tính sản phẩm, packaging và services?
  • Làm thế nào để sản phẩm của bạn khác biệt với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh?

Tạm dừng chữ P đầu tiên tại đây, các bạn có gì muốn chia sẻ thêm về các chiến lược cho Sản phẩm thì comment bên dưới để cùng trao đổi nhé. Đừng quên cùng 88 Lab bàn luận về các chữ P tiếp theo trong series Marketing Mix này.