Thừa hưởng “gen” từ bố mẹ, mình là đứa rất thích đi du lịch. Ngày bé thì bám càng bố mẹ đi khắp nơi; giờ lớn lên một chút, khi bắt đầu kiếm ra tiền và có thêm một số khoản thu nhập khác, thì ngoài những chuyến nghỉ hè cùng gia đình, mình còn thoát ly để đi cùng bạn bè nhờ khoản tiết kiệm được. Hai năm gần đây là hai năm bước ngoặt trong “sự nghiệp” du lịch của mình, đặc biệt là năm nay khi mình trung bình cứ 2 tháng lại đi 1 lần, trong đó có 4 chuyến tự túc. Với mình, du lịch là cách để vui chơi, để nghỉ ngơi, để khám phá văn hoá… cho đến khi anh sếp mình độp vào mặt câu này:
Em đừng nghĩ du lịch chỉ để đi chơi. Mình làm nghề này, đi đâu cũng là đi học.
Vậy thì, làm marketing thì học gì khi đi du lịch?
Chưa cần học gì cao xa, đi ăn thì xem họ bán cái gì, cách họ bài trí nhà hàng, menu ra sao, điểm nhấn ở đâu, cách họ phục vụ thế nào…; đi tham quan thì nhớ lấy brochure, chụp lại mẫu vé, ngắm nghía các bảng biển chỉ dẫn; về khách sạn thì cũng đừng nằm ru rú trên giường mà tranh thủ ngó nghiêng. Xem xong rồi thì ngẫm nghĩ, tư duy phản biện, xem tại sao họ làm thế này mà không phải thế kia, làm vậy thì hay hay dở. Cái này thì không chỉ đi du lịch mới làm được. Từ ngày được giác ngộ tư tưởng, kể cả đi cafe loanh quanh trong thành phố mình không chỉ chăm chăm chụp những góc đẹp, những cảnh trữ tình nữa. Thi thoảng đi vào nhà vệ sinh gặp vài dòng hài hước thú vị, mình cũng giơ máy lên chụp lại.
Hơn nữa, chúng mình đều biết văn hoá là một trong những yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với Marketing. Đi du lịch đồng nghĩa với việc tiếp xúc với những văn hoá mới, bởi vậy học thêm, hiểu thêm về văn hoá đất nước, vùng miền, về con người của từng vùng đất cũng giúp ích cho việc làm nghề rất nhiều. Trên thực tế, các thương hiệu chuỗi nổi tiếng trên thế giới trước khi thâm nhập vào một thị trường mới đều phải thực hiện market research rất kĩ lưỡng cẩn thận (IKEA còn cho nhân viên nghiên cứu thị trường vào sinh sống cùng một gia đình điển hình tại đất nước đó để tìm hiểu về phong cách sống, thói quen, tâm lý, hành vi… của người dùng). Những hiểu biết văn hoá xã hội được tích luỹ dần sẽ giúp bạn có những góc nhìn toàn thể và sâu sắc hơn về thị trường, về người dùng, từ đó làm cơ sở tư duy cho việc làm marketing.
Và quan trọng nhất, là học đi. Đừng chỉ mãi ru rú cả ngày trong phòng điều hoà, trước màn hình máy tính. Cuộc sống có vô vàn những điều thú vị ở ngoài kia, nên hãy đi. Hãy khám phá, hãy tò mò. Hãy là một đứa trẻ với những nhiệt thành và suy nghĩ trong veo và điên rồ nhất.