Trong bài viết trước: Kinh doanh & lựa chọn (1): Khi chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn mình đã hứa là số này sẽ nói về ít sự lựa chọn. Giờ ta thử nghiên cứu 2 case sau nhé.
Khi mình muốn sa thải nhân viên
Chuyện là ở văn phòng trước đây của mình, có một bạn nhân viên rất thông minh sáng dạ. Phải cái anh chàng này lười quá. Anh chàng thường xuyên đi làm muộn, và về thật sớm. Một vài công việc anh này bị lỡ deadline, tuy không nhiều. Và mình là không biết có nên cho bạn ấy nghỉ hay không? Hôm nay ông này lại đi muộn, giọt nước tràn ly mất rồi…
Chà, quả là một tình thế tương đối “hiển nhiên”. Tuy nhiên khi nhìn lại và nghĩ sâu hơn về câu hỏi của mình, mình chợt nhận ra là mình tự cho mình ít lựa chọn quá. Chỉ có “Cho nghỉ” hoặc “Không cho nghỉ” trong khi thực ra còn rất nhiều cách khác nữa. Ví dụ? “Nói chuyện hỏi han thông tin tại sao bạn liên tục đi làm muộn rồi về sớm”. “Phạt cảnh cáo 1 tháng”. “Xem lại công việc giao cho bạn này, xem có đúng, đủ và hấp dẫn không?”. “Đánh giá lại quản lý của anh chàng”.
Nếu nhìn rộng ra doanh nghiệp, chúng ta thường xuyên ra quyết định ở những thời điểm đầy “cảm xúc” như thế: tuyển nhân viên mới ngay khi hợp đồng mới được ký kết, thăng cấp cho nhân viên khi bạn vừa lập công lớn, vay ngân hàng khi công ty có vấn đề về dòng tiền. Chúng ta có xu hướng để cảm xúc dẫn dắt và tự đưa quyết định trong bối cảnh có quá ít sự lựa chọn: Thường chỉ là “Có” hoặc “Không”. Và như thế thì nào có đủ khi làm kinh doanh!
Làm thế nào để sếp duyệt đúng kế hoạch mình mong muốn
Đi qua nhiều tổ chức, mình hay thấy có một mẹo nhỏ để được sếp thông qua plan như thế này: Bạn luôn đưa cho sếp 2-3 kế hoạch. Nhưng thật sự chỉ có 1 trong số đó (Plan A) là “có lý”. 2 kế hoạch còn lại hoặc là cực kỳ tệ, hoặc là nó cũng “không khác là mấy” kế hoạch A.
Thông qua mưu hèn kế bẩn này, bạn đã làm những anh/chị sếp của mình tăng phần trăm tập trung vào so sánh Plan A, B, C và quên đi sự hiện diện của những plan D, E, F khác mà bạn chưa làm. Các anh chị chỉ tập trung vào “lựa chọn” trong một khung bó hẹp được chúng ta “gà” sẵn thay vì nhìn rộng hơn.
Câu chuyện này không chỉ là mưu mẹo linh tinh đâu mà chính là một ví dụ tiêu biểu của “có nhiều sự lựa chọn, nhưng không đủ khác biệt” đó. Không có nhiều sự lựa chọn khác nhau, thì thà đừng có còn hơn ^^!
Nếu như trong bài trước, có quá nhiều sự lựa chọn là kẻ thù, thì trong bài này, chúng ta cũng điểm danh luôn là quá ít lựa chọn cũng khiến chúng ta “ngu ngốc” hệt như vậy.
Vậy thuốc giải của 2 chứng bệnh này là gì? Cùng đón đọc trong bài viết sau bạn nhé.